Có một làng "homestay" của người Cao Lan

Đó là làng Giếng Tanh, xóm 16, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn. Ngôi làng của đồng bào người Cao Lan nằm giữa cách đồng thơm ngát hương lúa.

 Đẹp cả 4 mùa

 
Cách thành phố Tuyên Quang hơn 6km, làng Giếng Tanh còn giữ được những nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người Cao Lan. Ngôi làng có hơn 60 ngôi nhà sàn, nằm san sát bên đồng lúa. Ở Giếng Tanh mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Mùa Xuân là mùa của những ngày xum họp ấm áp, mùa của lễ hội Đình Giếng Tanh. Mùa hè là mùa của hương lúa ngạt ngào, mùa của những giây phút bình yên trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Mùa Thu là mùa của ánh nắng chiều vàng óng, trải khắp cánh đồng. Mùa Đông là mùa của những giải sương giăng lãng đãng, mùa của những vạt khói lam chiều thơm mùi rơm lúa nếp.

Giàu văn hóa truyền thống

Từ Quốc lộ 37 rẽ vào hơn 100m là đến Giếng Tanh. Gọi là “tanh” nhưng thực ra nước giếng rất trong mát. Trong tiếng Cao Lan, từ “tanh” có nghĩa là trong, xanh gần giống chữ “thanh” trong Hán – Việt. Đây là giếng cổ chứa trong mình nhiều truyền thuyết của người dân bản địa.
 


Đình Giếng Tanh.

Theo người dân làng Giếng Tanh, giếng được biết đến vào năm Nhâm Tuất (1706). Khi đó một số dòng họ của dân tộc Cao Lan xuôi về phương Bắc để tìm vùng đất mới sinh sống. Một hôm các cụ tổ nhìn thấy khu vực này bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cây cối tươi tốt, đặc biệt có nguồn nước trong vắt nên họ lập bản rồi đặt tên làng. Một số cuốn sách cổ của người Cao Lan còn ghi lại, trước đây, giếng còn có 1 tên gọi khác là "Giếng Gianh", (nghĩa là giếng tranh giành nhau). Bởi xưa kia các thủ lĩnh của đồng bào Cao Lan đã phải đổ máu với quân cờ đen mới giành lại được giếng".

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, cả làng đều dùng nguồn nước ở Giếng Tanh  sinh hoạt. Lúc đó giếng chỉ ghép 4 mảnh ván rồi đắp lên, chứ chưa xây dựng như bây giờ. Mặc dù vậy nguồn nước lúc nào cũng xanh như ngọc bích. Đặc biệt, mực nước trong giếng luôn cao hơn mực nước của cánh đồng, con suối xung quanh. Đến năm 1971, người dân mới góp gạch để xây lại giếng.

Cách giếng Tanh khoảng 100m, ngay đầu làng là đình Giếng Tanh. Đình được xây vào năm Bính Tuất (1706). Tương truyền, cụ Tiêu Hiệp Phượng thương dân sống bần hàn đã đến Đền Hùng xin phù hộ cho dân qua cơn hoạn nạn. Vua Hùng cắt cử hai vị thánh là “Đức vua cả Ngọc Sơn quân linh ứng đại vương” và “Đức vua cả Nghiêm Sơn trung chính lệnh ứng đại vương” xuống vùng Yên Sơn để bảo hộ dân làng Giếng Tanh. Từ đó, nơi đây làm ăn yên ổn, mùa màng bội thu. Biết ơn hai vị thánh, người dân Giếng Tanh dựng lên ngôi đình để tưởng nhớ và lấy ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày giỗ làng. Đình còn thờ Thiểm Hoa công chúa thờ các vị thần phù trợ cho nghề nông của làng là thần Nông, thần Thổ địa và Long vương và thờ bà Lương Thị Hai – tương truyền là người đã cung cấp lương thảo cho nghĩa quân đánh giặc.

Lễ hội đình làng Giếng Tanh diễn ra trong 1 ngày 2 đêm. Phần lễ được tiến hành từ đêm mùng 9 tháng Giêng cho đến nưa ngày hôm sau, còn lại nửa ngày và đêm mùng 10 dành cho phần hội..

Đêm mùng 9, hội rất vui, trước hương án mọi người chen nhau thắp hương cầu lộc, cầu lành...Trong không khí linh thiêng, khác thường, mọi người hầu như không ngủ, nhiều tốp trai, gái rủ nhau hát Sình ca cho đến sáng.

Ngày mùng 10, sau khi khởi chiêng, con cháu trong dòng họ của người Cao Lan thực hiện các lễ " Củ soạn lễ vật"; " Thượng đèn"; " Nghệ hương án tiền";  " Thượng hương". Các bài khấn kể lại công lao to lớn của hai vị tướng - hai vị Thành hoàng làng đã đánh tan quân xâm lược, bảo vệ cho người Cao Lan yên ổn, cầu cho dân làng được yên lành, ấm no, hạnh phúc.

Phần hội của lễ hội đình làng Giếng Tanh được bắt đầu từ rất sớm, ngay phần lễ trong đình chưa kết thúc, gồm các trò chơi dân gian: tung còn, chọi gà, đẩy gậy,đánh đu...Ngoài các trò chơi dân gian, một hoạt động văn hóa mang nét đặc trưng riêng của người Cao Lan không thể thiếu trong lễ hội là hát Sình ca.

Làm Homestay vì… hiếu khách
 


Một góc làng Giếng Tanh.

Nhà ông Hoàng Liên Sơn, trưởng xóm 15 ở ngay đầu thôn. Ngôi nhà sàn làm bằng cột bê tông, sơn giả gỗ khang trang, chắc chắn. Ông Sơn bảo, người Cao Lan trong thôn muốn được ở trong những ngôi nhà truyền thống. Những ngôi nhà sàn gỗ đã cũ, xuống cấp, không tìm được gỗ để làm lại, người dân làm nhà bê tông. Nhà mới chắc chắn mà vẫn giữ lại được không gian sinh hoạt như xưa. Căn bếp ở một gian, trong nhà có 4 người thì mỗi người một gian. Gian lớn nhất giành cho không gian sinh hoạt chung. Cũng chính ngôi không gian này, có lần ông Sơn đã đón hơn 30 người ngủ lại để đi xem Lễ hội Thành Tuyên.

Mấy năm trước Tỉnh đoàn Tuyên Quang phối hợp với huyện Yên Sơn vận động người dân xóm 15 làm dịch vụ “homestay”. Khi ấy có 5 hộ có nhà cửa khang trang, rộng rãi, có không gian đẹp và công trình vệ sinh đảm bảo sạch sẽ. Năm nay, số hộ được giới thiệu đủ tiêu chuẩn làm “homestay” là 8 hộ. Trong thôn có 97 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Bà con ở đây bảo: “Thấy cán bộ bảo làm “hôm – tây” thì “hôm – tây”, chứ bà con chỉ đón khách về nghỉ ở nhà, thấy thích thì ở lại, ăn cơm với bà con, sống với bà con, chứ  không quan trọng tiền nong”. Vào dịp Lễ hội Thành Tuyên, hàng có hôm hàng chục người từ thành phố Hồ Chí Minh liên hệ để ngủ lại. 2 giờ sáng, ông Hoàng Liên Sơn chạy xe máy ra Quốc lộ 37 để đón khách. Hôm sau, có phòng khách sạn trong thành phố nhưng họ không vào. Họ ở lại để được sống với bà con Cao Lan.

Trong thôn có gần 100 hộ dân, số hộ làm nhà đất đếm chưa đủ trên đầu ngón tay. Đường xá trong thôn được đổ bê tông sạch, đẹp, người dân hiếu khách, giàu truyền thống văn hóa. Khi được hỏi về mong muốn trở thành điểm du lịch, người dân ở Giếng Tanh chỉ cười: “Nếu ai thấy thích cuộc sống giản dị, bình yên thì về đây chơi, bà con chỉ biết làm nông thôi, người ta đến chơi với mình mà lấy tiền thì ngại lắm!”.
 
Nguồn: http://tuyenquang.gov.vn/

Bài viết liên quan